Trong khi nước xáo thịt dê là món ăn truyền thống trong mâm cỗ cúng, thì thịt trâu xào lá cà ri lại là món ăn dân gian phổ biến trong bữa cơm hàng ngày.
Người Chăm luôn quan niệm ẩm thực gắn liền với phong tục tín ngưỡng cùng các hội hè đình đám. Những con vật được giết mổ để cúng tế Thần – Yang Chăm phải được chính các sức Chăm đảm nhiệm trong việc cắt tiết và kèm theo vài lời cầu khấn trang trọng. Do đó, nhiều món ăn chỉ xuất hiện trong cúng tế thần linh. Để thưởng thức những món ăn độc đáo này, du khách phải ghé các làng Chăm trong những ngày hội lớn như lễ hội Kate, lễ hội Rija Nagar…
Người Chăm theo tôn giáo Bà La Môn kiêng thịt bò và tôn giáo Bà Ni kiêng thịt heo, nên ẩm thực người Chăm chủ yếu là thịt dê và thịt trâu. Trong đó, nước xáo thịt dê và trâu xào lá cà ri là những món ăn đậm nét ẩm thực truyền thống Chăm.
Nước xáo thịt dê
Nước xáo thịt dê là món ăn truyền thống đặc trưng mà bất kỳ người Chăm nào cũng biết và từng được thưởng thức trong đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể biết nấu và nấu ngon đặc sắc bởi nó tùy thuộc vào tay nghề và kinh nghiệm của mỗi phụ nữ Chăm.
Người Chăm có câu “Nước xáo làng Đá Trắng, canh môn làng Hữu Đức”, nói lên đặc trưng chế biến món ngon của mỗi làng Chăm và chỉ các làng ấy mới nêm nếm được những khẩu vị đặc sắc của riêng từng món ăn.
Dê dùng trong lễ hội phải được để nguyên con và thịt để cúng tế phải là thịt luộc. Do vậy nước luộc thịt dê được dùng để chế biến món nước xáo thịt dê ăn kèm với thịt.
Nguyên liệu để chế biến món này bao gồm gạo rang, lá me non, cà chua cùng với các phụ gia đi kèm như muối, bột ngọt, ớt… Sau khi thịt dê chín vớt ra, nước luộc còn lại cho vào gạo rang, lá me non, cà chua và nêm nếm cho vừa khẩu vị là dùng được.
Món rau ăn kèm với nước xáo thịt dê không thể thiếu là cây chuối non xắt nhỏ trộn với lá lốt, người Chăm gọi là giem. Sự hài hòa giữa rau giem với nước xáo và thịt dê làm cho món ăn thêm đậm đà và trông hấp dẫn hơn.
Thịt trâu xào lá càri
Thịt trâu xào lá cà ri là món ăn dân gian truyền thống của người Chăm, không dùng trong cúng tế mà được dùng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Theo truyền thống, 7 năm một lần người Chăm làm lễ tế thần linh bằng một con trâu trắng. Nhưng ngày nay, người Chăm đã đơn giản hóa mâm lễ cúng bằng dê hoặc gà.
Thịt râu thái nhỏ được ướp với phụ gia như muối, bột ngọt và một ít phẩm màu do người Chăm tự chế biến. Đầu bếp xào tái qua lửa rồi vò nhẹ lá cà ri non để tạo mùi thơm thoang thoảng hòa quyện với thịt xào. Món ăn có màu xanh của lá và màu tái của thịt trông đậm đà và đẹp mắt.
Đặc biệt khu vực Ninh Thuận mọc rất nhiều cây cà ri rừng, nên để món ăn thơm ngon đúng vị người chế biến phải dùng chính lá cây của vùng rừng núi nơi đây.
Ngày nay, một số bộ phận người Chăm di cư vào Sài Gòn đã mang theo tinh hoa văn hóa ẩm thực đến giao lưu, truyền đạt và phổ biến ở đây. Muốn thưởng thức những món ăn đặc trưng của người Chăm Ninh Thuận ở Sài Gòn, thực khách có thể ghé Quán Ẩm thực Chăm SuSu – Số 21 Diệp Minh Châu, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú. Là một quán bình dân do chính người Chăm Ninh Thuận chế biến, bạn có thể yên tâm phần nào về hương vị đặc trưng Chăm mà ở Sài Gòn không nơi nào có được.