Chị Linh mở quán bún riêu mang phong cách Đà Lạt với các loại rau xắt nhỏ, nước dùng ninh từ xương, riêu nấu bằng ghẹ, tôm khô và tôm tươi.
Ở Sài Gòn, thực khách có thể tìm thấy đa dạng món ăn mang phong cách vùng miền. Nếu muốn thưởng thức một bữa sáng kiểu Đà Lạt, bạn có thể ghé đường Đặng Dung, quán bún riêu nhỏ mang biển hiệu Góc Đà Lạt là địa chỉ gợi ý.
Chủ quán là chị Phan Thị Kim Linh, 37 tuổi, người Đà Lạt đến Sài Gòn lập nghiệp và mở quán bún riêu ghẹ được 7 năm. Gọi là bún riêu ghẹ vì trong thành phần riêu có chứa thịt ghẹ, khác với cách làm bằng cua đồng thường thấy trong tô bún riêu.
Chị kể ngày nhỏ ở quê nhà Đà Lạt, bún riêu là món ăn gắn liền với tuổi thơ, cứ cuối tuần mẹ chị lại nấu bún riêu cho cả nhà ăn. Khi tới Sài Gòn sinh sống, chị không tìm được hương vị bún riêu mẹ nấu và giống như quê nhà, mua bún ngoài hàng thì ăn không quen vị. Từ đó, chị mở một hàng bún nhỏ trên đường Đặng Dung, bán đủ món như mì Quảng, bún bò, bánh mì xíu mại, yaourt phô mai theo kiểu Đà Lạt, chị gọi đây là một góc nhỏ Đà Lạt giữa Sài Gòn.
Tô bún riêu dễ nhận diện với đĩa rau xắt nhỏ tươi xanh có xà lách carol, bắp chuối, giá tươi và thêm rau kinh giới, tất cả trộn đều trông bắt mắt. Riêng phần bún, người Đà Lạt thường nấu riêu bằng tôm khô với thịt, trứng, còn tiệm của chị Linh có chút thay đổi, riêu nấu từ ghẹ có vị béo, kết hợp với thịt và tôm khô, tôm tươi dậy mùi thơm. Ngoài ra, tô bún có thêm cà chua, huyết mềm, đậu hũ chiên. Khách có thể chọn thịt sườn hoặc giò ăn kèm. Nước lèo thanh vị chan ngập tô và hành lá cắt nhỏ rắc bên trên.
“Thời tiết ở Đà Lạt mát lạnh quanh năm, rau xanh rất tươi, toàn hàng mới hái dùng ngay nên ăn rất giòn ngọt. Mình có mối chuyển rau xanh từ Đà Lạt xuống Sài Gòn mỗi ngày, rau thái xong trữ trong tủ lạnh, có khách gọi mới mang ra để giữ được độ tươi ngon”, chị Linh nói thêm.
Chị Vân Khánh, một khách quen ở quán mỗi ngày đều tới đây ăn bún riêu nhận xét: “Chị chủ quán làm món ăn sạch sẽ, hợp vị với mình, bún có rau xanh ăn giòn ngọt rất ngon. Mình cũng giới thiệu thêm cho người nhà đến quán thưởng thức và họ nói sẽ quay trở lại lần nữa”.
Còn chị Hạ An, lần đầu ghé quán thấy nơi này không quá rộng nhưng sáng sủa, đến vào giờ quán vắng nên bàn ghế ngồi thoải mái. “Phần nước lèo kiểu có vị thanh, không quá đậm đà và ngọt như những quán mình hay ăn, topping khá đầy đặn, rau xanh ăn kèm rất ngon và giống ở Đà Lạt”, chị chia sẻ, có dịp sẽ ghé quán thử thêm món bánh mì xíu mại.
Giá mỗi tô bún là 50.000 đồng, 65.000 đồng với bún bò, cao hơn so với trước dịch do nguyên liệu tăng giá. “Trước dịch mình bán từ sáng đến 20h, nhưng nay chỉ bán đến 14h, ai muốn ăn sau giờ đó thì mình sẽ giao hàng mang đi. Sau dịch khách tới quán giảm nhiều, nhiều người hạn chế ăn bên ngoài, quán mình cũng vắng và buồn hơn. Tình hình chung hàng quán mình thấy ai cũng vậy, có quán đóng cửa hẳn nhưng mình vẫn ráng”, chị Linh chia sẻ.